0

Chứng ăn vô độ: Nguyên nhân, điều trị | Safe and Sound

Rối loạn ăn uống là một rối loạn tâm thần, đặc trưng bởi sự rối loạn nặng nề về ăn uống, có thể ảnh hưởng rất tiêu cực đến lao động, học tập và cuộc sống thường ngày của người bệnh. Theo các chuyên gia tâm lý, bác sĩ tâm thần, ăn vô độ là một dạng rối loạn ăn uống và tác động xấu tới chất lượng cuộc sống người bệnh.

Nguyễn Thị Hồng Hạnh | Bác sĩ - Viện tâm lý và sức khỏe tinh thần SnS

Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe Cộng đồng và Phát triển

1. Ăn vô độ là gì?

Các bác sĩ tâm thần, chuyên gia tâm lý cho biết, ăn vô độ là một loại rối loạn ăn uống nghiêm trọng, trong đó người bệnh thường xuyên tiêu thụ một lượng thức ăn bất thường và cảm thấy không thể ngừng ăn.

Đa số người bình thường đều từng trải qua những lúc ăn rất nhiều, chẳng hạn như trong các bữa tiệc, buổi kỉ niệm, bữa liên hoan,... Chuyên gia tâm lý khuyến cáo, một số người đã vượt qua lằn ranh bình thường, không thể tự kiểm soát được sự ăn uống quá mức của bản thân, để nó diễn ra lặp đi lặp lại và tiến tới chứng ăn vô độ.

Khi bị mắc chứng ăn vô độ, bản thân người mắc cũng cảm thấy xấu hổ về mức độ ăn của mình và cũng có ý muốn dừng lại, nhưng họ luôn bị một cảm giác thúc bách khiến việc ăn không thể dừng lại, dẫn tới ăn không ngừng. Thật may mắn là có thể can thiệp điều trị với chứng ăn vô độ.

Ảnh 1: Ăn vô độ là một loại rối loạn ăn uống nghiêm trọng

2. Nguyên nhân gây ra chứng ăn vô độ

Nguyên nhân gây ra chứng ăn vô độ cho đến nay vẫn chưa được các bác sĩ tâm thần, chuyên gia tâm lý xác định, tuy nhiên, yếu tố di truyền, các yếu tố sinh học, chế độ ăn kiêng kéo dài và các vấn đề tâm lý có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện chứng ăn vô độ. 

Chứng ăn vô độ hay xuất hiện ở nữ giới hơn nam giới. Mặc dù có thể xuất hiện ở bất kỳ ai, ở bất kỳ lứa tuổi nào, nhưng chứng ăn vô độ thường xuất hiện ở cuối tuổi vị thành niên hoặc đầu những năm tuổi 20.

Các yếu tố nguy cơ làm gia tăng khả năng xuất hiện chứng ăn vô độ bao gồm:

  • Tiền sử gia đình: Nguy cơ xuất hiện rối loạn ăn uống sẽ tăng lên nếu trong gia đình có thành viên (cha mẹ, anh chị em) đã hoặc đang mắc rối loạn ăn uống. Yếu tố di truyền có thể là nhân tố làm tăng khả năng xuất hiện các rối loạn ăn uống.
  • Chế độ ăn kiêng: Nhiều người bị ăn vô độ có tiền sử đã từng ăn kiêng. Ăn kiêng hoặc ăn theo chế độ giới hạn năng lượng trong ngày có thể khởi phát thèm muốn ăn vô độ, đặc biệt khi bản thân có xuất hiện các dấu hiệu của trầm cảm.
  • Các vấn đề tâm thần: Nhiều người mắc chứng ăn vô độ có cảm giác tiêu cực về bản thân, về năng lực cũng như kết quả đã đạt được. Các yếu tố có thể gây khởi phát ăn vô độ bao gồm áp lực căng thẳng, tự ti về ngoại hình, có sẵn nhiều đồ ăn ưa thích,...

3. Các triệu chứng của ăn vô độ

Theo các chuyên gia tâm lý, bác sĩ tâm thần, chứng ăn vô độ - một kiểu hành vi chu kỳ với đặc điểm là có những giai đoạn ăn thái quá, rồi mất tự kiểm soát, kết hợp với cảm giác tội lỗi hổ thẹn. Trong một số trường hợp, hành vi ăn vô độ được lặp đi lặp lại nhiều lần trong ngày và mang tính xung động mãnh liệt. Hành vi này khác với tính tham ăn đơn thuần, ở chỗ cảm giác xấu hổ và mất kiểm soát là những nét đặc trưng của chứng ăn vô độ. 

Ảnh 2: Bệnh nhân có triệu chứng thèm ăn không cưỡng lại được

Các triệu chứng lâm sàng đặc trưng:

  • Có sự bận tâm dai dẳng về ăn uống, thèm ăn không cưỡng lại được; bệnh nhân bị suy sụp trong cơn ăn quá nhiều, trong đó ăn một khối lượng lớn thức ăn trong một khoảng thời gian ngắn.
  • Bệnh nhân cố gắng chống lại hậu quả “gây béo” của thức ăn bằng một hoặc nhiều cách sau: tự gây nôn; lạm dụng thuốc tẩy, xen kẽ thời kỳ nhịn đói; dùng các thuốc lợi tiểu;...
  • Mối lo sợ bị béo bệnh lý khiến cho bệnh nhân tự đặt cho mình một ngưỡng cân nặng nhất định, thấp hơn cân nặng trước khi bị bệnh. Thường có nhưng không phải luôn luôn có, trong tiền sử có một giai đoạn chán ăn, khoảng cách giữa 2 rối loạn ấy có thể kéo dài từ vài thắng đến nhiều năm. Giai đoạn này có thể biểu hiện đầy đủ hoặc có thể như một thể ẩn nhẹ, kín đáo, với sút cân vừa phải và/hoặc một giai đoạn mất kinh nhất thời.

4. Điều trị chứng ăn vô độ

  • Liệu pháp tâm lý: Giải thích hợp lý, vạch ra cho bệnh nhân thấy hiệu quả các chu kỳ cố gắng ăn kiêng, đói sẽ dẫn tới vô độ, rồi gây nôn bù trừ hoặc lạm dụng thuốc nhuận tràng. Cần khuyên bệnh nhân nên ngừng ăn kiêng để xoá bỏ chu kỳ bệnh lý đó. Chấp nhận và gắn bó với mô hình ăn vừa phải là quan trọng. Xác định các nhân tố thúc đẩy, hạn chế nhậu nhẹt, ăn vô độ và ghi nhật ký về hành vi là điều bổ ích.
  • Liệu pháp nhận thức - hành vi nhằm giúp cho bệnh nhân kiểm soát được hành vi ăn uống quá mức, điều chỉnh chế độ ăn uống hàng ngày có điều độ, cũng như làm thay đổi thái độ của bệnh nhân đối với kích thước cơ thể của mình.
  • Liệu pháp hoá dược - các thuốc chống trầm cảm (thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin - SSRI, thuốc chống trầm cảm 3 vòng) có thể làm thuyên giảm chứng ăn vô độ. 
: Chứng ăn vô độ: Nguyên nhân, điều trị | Safe and Sound

Đăng ký nhận tư vấn ngay

Nhận tư vấn về sức khoẻ tinh thần từ Safe and Sound